Truyện Cười Kỳ 2
NÔNG DÂN – THƯƠNG LÁI – NHÀ MÁY ĐƯỜNG
Nhà máy đường ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nông dân, nghe đâu có tạm ứng trước phân thuốc gì đó. Cuối vụ, giá mía thị trường cao ngất so với giá thỏa thuận đã ký giữa "nhân dân" với nhà máy. "Nhân dân" xé hợp đồng vứt sọt rác, bán mía cho thương lái, lời bẫm, tiền đền bù hợp đồng với nhà máy là ruồi muỗi. Nhà máy đường khóc thét không thành tiếng.
Vấn đề đặt ra ở đây là, thương lái mua mía đường về cho dòng họ nó gặm chơi phỏng? Đếch có chuyện đó, nó bán lại cho nhà máy với giá cắt cổ, nhà máy không muốn đóng cửa thì bắt buộc phải mua mía của thương lái bởi một bộ phận nhân dân đã phá hủy hợp đồng. Như vậy trong chuyện này "nhân dân" và thương lái bắt tay ăn hiếp anh Nhà Máy tơi bời.
Mấy năm sau, một ngày đẹp giời báo chí cách mệnh đồng loạt đưa tin "người nông dân khóc bên ruộng mía" nghe thương cảm biết bao nhiêu. Rồi biết bao nhiêu căm phẫn của xã hội đổ dồn về... nhà máy đường. Anh giám đốc akay rất, anh nói cụt ngủn "Nhà máy chỉ thu mua với các hộ có hợp đồng bao tiêu đã ký với Nhà máy" (ý anh là cho chết mẹ lũ chúng mày đi, quân phản trắc). Rất tiếc, thời đó Annam chưa có một Đinh La Thăng xông xáo đi bán mía giúp dân, lúc đó cũng chưa có Facebook để đồng bào mần từ thiện "giải cứu mía" như bây giờ thế nên mía khô rục trên rẫy, chỉ dùng làm củi đun.
CHIA SẺ THÔNG TIN THỜI “NÔNG NGHIỆP HIỆN ĐẠI”
Anh Thân và anh Thiết là hàng xóm của nhau, hai anh hành nghề trồng rau củ quả. Ngày nọ anh Thân được một thằng lái thuốc mời dùng thử sản phẩm X, hiệu quả không ngờ. Anh Thân quyết định mua dài hạn với điều kiện: thằng lái không được nói tên sản phẩm cho thằng Thiết. Thân và Thiết, nên chọn ai đúng là đau đầu đối với anh Lái thuốc, bởi đối với ảnh bán được càng nhiều càng có lợi, tất nhiên có chiêu trò thì mới bán được nhiều?
Thằng lái nhẩm sơ diện tích canh tác của hai anh và gật đầu.
Anh Thiết thấy vườn anh Thân tươi tốt bội thu nên dò hỏi anh Thân xài giống gì, nhưng anh Thân ỡm ờ, không chịu nói. Anh Thiết hạ quyết tâm tìm ra sự thật nên ngày đêm rình rập vườn anh Thân. Biết anh Thiết rình mò vườn mình, anh Thân chơi khăm bằng cách vứt lăn lốc vỏ hộp một sản phẩm tào lao nào đó. Anh Thiết tưởng đã tìm được bí quyết nên tự tin đem thuốc đó bón vườn. Cây chết sạch.
Anh Thiết akay quá đỗi, sang nhà anh Thân, tát anh Thân Sml. Cớm xã tóm cả hai anh lên xã mần việc. Anh Thiết chửi " Sao mày lừa bố". Anh Thân bật lại " Ai kêu mày lấp ló rình mò nhà tao".
Thằng lái thuốc thở phào, từ nay nó bán thuốc cho cả hai anh Thân Thiết, lợi cả đôi đường.
NỖI SỢ MANG TÊN …
Ao tôm miền Trung toàn nuôi kiểu công nghiệp, tôm bơi đặc nước, vốn đầu tư rất khủng. Trúng mùa, cái ao be bé kiếm được vài trăm củ như chơi nhưng Tôm dịch bệnh thì xác định lỗ vài trăm củ.
Hai anh chủ ao Thương & Mến cạnh nhau, thân lắm, ngày thường chén chú chén anh xưng huynh gọi đệ sướt mướt. Tôm anh Thương đang lớn ngon thì bị dịch, ngỏm sạch, than ôi mấy trăm củ tiền vốn của anh đi tong. Anh Thương không cam tâm nhìn anh Mến trúng đậm. Anh vứt xác tôm bệnh sang ao anh Mến. A lê hấp, Tôm của anh Mến cũng dính bệnh quy tiên sạch. Giết người mà không ở tù chắc anh Mến tắm máu ba họ nhà anh Thương cmnr .
Từ đó về sau hễ có ao tôm nào dịch bệnh là các chủ ao xung quanh thần kinh rất căng thẳng. Họ sống trong sợ hãi, canh ao thôi chưa đủ , phải giám sát cả anh chủ ao có tôm bệnh như một đối tượng nguy hiểm.
Kết: Cần loại bỏ ngay những tư tưởng tiểu nông trong kinh doanh, sản xuất ở Việt Nam, nâng tầm nó thành kiểu sản xuất lớn có sự quản lý thống nhất từ trên xuống dưới. Nếu không muốn trong tương lai tiếp diễn những cuộc giải cứu nông sản.
Kiankutekun Sưu Tầm